Ngày 08/11/2021 22:29

Thuốc điều trị COVID-19 - Cuộc chạy đua nước rút trên toàn cầu

Bên cạnh vaccine, thúc đẩy phát triển thuốc điều trị COVID-19 đang là một mũi nhọn quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả chống dịch.

Thuốc điều trị COVID-19, Pfizer, SARS-COV-2

Pfizer công bố thuốc điều trị COVID-19 có thể giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong

Mới đây, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) thông báo các kết quả sơ bộ thử nghiệm lâm sàng loại thuốc kháng virus dùng trong điều trị COVID-19 do hãng phát triển cho thấy, thuốc có thể giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở bệnh nhân trưởng thành thuộc nhóm có nguy cơ bệnh nặng.

Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer có tên là Paxlovid, được sử dụng kết hợp với một loại thuốc kháng virus đã biết là ritonavir. Thuốc được chỉ định sử dụng 2 lần/ngày, mỗi lần ba viên. Pfizer khẳng định các kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ chỉ ra thuốc kháng virus của hãng cho hiệu quả cao hơn thuốc molnupiravir của hãng dược Merck.

Được biết, loại thuốc của Pfizer hoạt động theo cơ chế "khóa" một enzyme mà virus SARS-CoV-2 cần để nhân bản. Trong khi đó, thuốc của Merck có cơ chế hoạt động khác, theo đó làm lỗi một mã gene của virus. Cả hai công ty đều chưa công bố kết quả thử nghiệm đầy đủ.

Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho rằng đây sẽ là một vũ khí mới đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu và sẽ đẩy nhanh việc cung cấp sản phẩm càng sớm càng tốt. “Đây là những tin tức tuyệt vời cho nhân loại và vượt xa mong đợi của chúng tôi. Chắc chắn nhu cầu rất lớn và điều này có nghĩa là rất nhiều sinh mạng có thể được cứu nếu tiến trình phê duyệt được thực hiện. Rất nhiều người, thay vì đến bệnh viện, họ có thể được điều trị ở nhà", ông nhấn mạnh.

Mặc dù không công bố chi tiết các tác dụng phụ trong quá trình điều trị nhưng hãng dược này cho biết tỷ lệ phát sinh tác dụng phụ là khoảng 20% ở cả nhóm dùng thuốc và nhóm dùng giả dược. Công ty này cũng đang mở rộng nghiên cứu việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 ở những bệnh nhân không có nguy cơ bệnh nặng cũng như trong ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ở những người phơi nhiễm virus.

Hiện Pfizer đã có kế hoạch gửi kết quả thử nghiệm sơ bộ lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ . Các hoạt động thử nghiệm sẽ được dừng sớm hơn do tỷ lệ thành công cao. Pfizer cũng đang đàm phán với 90 quốc gia về các hợp đồng cung ứng Paxlovid.

Hiện tại các quốc gia cũng đang bắt đầu chạy đua để đặt mua các đơn hàng thuốc điều trị COVID-19 nhằm tránh tình trạng thiếu hụt như với vaccine trong các đợt dịch trước. Mới đây, New Zealand bổ sung thuốc Baricitinib vào danh mục các thuốc điều trị COVID-19. Đây là loại thuốc thứ năm, cùng với remdesivir, tocilizumab, molnupiravir và Ronapreve, được đưa vào danh mục các loại thuốc có thể kê cho những người có các triệu chứng bệnh COVID-19.

Giống như tocilizumab, thuốc baricitinib có thể sử dụng điều trị cho bệnh nhân thể nặng vì thuốc này giúp giảm mức độ nặng của các triệu chứng và giảm thời gian nằm viện cũng như giảm nguy cơ tử vong.

Tương tự, Lào cũng đang có kế hoạch đăng ký chính thức 3 loại thảo dược để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả phục hồi đạt khoảng 80-100%.

Thuốc điều trị COVID-19, Pfizer, SARS-COV-2

Bên trong khu nghiên cứu và điều chế thuốc Remdesivir tại Eva Pharma, Cairo

Có thể thấy, nhu cầu vaccine và thuốc điều trị COVID-19 đang ngày một trở nên mạnh mẽ hơn khi nhiều quốc gia đang gia tăng số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không có một ứng cử viên nào có thể nhanh chóng được đưa vào điều trị COVID-19.

Kara Carter, người đứng đầu bộ phận sinh học khám phá tại công ty công nghệ sinh học Dewpoint Therapeutics ở Boston, Massachusetts, và là chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Chống virus Quốc tế cho biết: “Chúng tôi cần một kho "vũ khí mới", đa dạng hơn để đối phó lại với các chủng Corona khác trong tương lai".

Về nguyên tắc, các nhà khoa học có thể nghiên cứu và điều chế các loại thuốc có tác dụng với nhiều loại virus bằng cách theo dõi các vùng protein đích được bảo tồn cao nhất, Jasper Fuk-Woo Chan, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Hồng Kông, cho biết. Tuy nhiên, cách này đã được chứng minh là không hiệu quả trong việc giải quyết nhanh chóng các đợt dịch hoặc đại dịch mới nổi như COVID-19.

Chuyên gia này phân tích: "Virus như SARS-COV-2 với tốc độ sao chép cao cùng với khả năng đột biến gen vốn có, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các loại thuốc kháng virus hiện có cho thấy sự kém hiểu quả trong việc điều trị COVID-19".

Mặc dù các nhà khoa học và các công ty đang bắt đầu có những nỗ lực phối hợp, nhưng hầu hết các chính phủ đều không xử lý vấn đề này một cách cấp bách như khi các loại vaccine ngừa COVID-19 xuất hiện. Trừ khi điều đó thay đổi, thế giới có thể vẫn đứng trước nguy cơ đón nhận một đại dịch virus nghiêm trọng tiếp theo.

Chính vì vậy, các nhà khoa học đang đưa ra khuyến nghị, các chính phủ cần đẩy mạnh nguồn lực đầu tư cho các các công ty dược phẩm để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc kháng virus phổ rộng, có khả năng điều trị nhiều loại virus và đảm bảo rằng những loại thuốc đó đã sẵn sàng để điều trị cho người khi các dịch mới xảy ra.

Xem thêm: Vừa điều trị khỏi Covid-19 được ít ngày, Quách Tuấn Du đã đến viếng và kể kỉ niệm với Phi Nhung

Theo: Ngoisao.vn

Tags:

Xem tin tức ngoi sao mới nhất