Ngày 16/03/2022 21:34

Kinh tế toàn cầu chìm sâu trong hỗn loạn

Khủng hoảng Ukraine và các đợt phong tỏa mới tại Trung Quốc làm căng thẳng thêm chuỗi cung ứng, khiến giá hàng hóa leo thang, toàn cầu hóa rạn nứt.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo tăng lãi suất hôm nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hỗn loạn. Những sức ép với lạm phát mà họ cho rằng sẽ sớm biến mất đến nay vẫn tồn tại. Một số còn đang trở nên tồi tệ hơn.

Giống như nhiều nhà dự báo khác thuộc khu vực tư nhân, Fed đã đánh giá sai nhu cầu hàng hóa của Mỹ sẽ mạnh như thế nào và làm chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng bao lâu. Các nhà máy, cảng biển và các công ty vận tải đường bộ vẫn quá tải.

Chuỗi cung ứng có dấu hiệu cải thiện trong tháng 1 và tháng 2, nhưng giờ lại xáo trộn bởi xung đột ở Ukraine và các đợt phong tỏa mới ở Trung Quốc. Những diễn biến này hứa hẹn sẽ kéo dài thời gian giao hàng và tiếp tục làm giá cả tăng theo.

Kinh tế toàn cầu chìm sâu trong hỗn loạn

Một bến cảng tại Mykolaiv, Ukraine vào tháng 2. Ảnh: NYT

Chiến sự làm các chuyến bay và các chuyến hàng qua đường biển Á - Âu bị chậm lại. Nguồn cung cấp paladi, niken và lúa mì bị đe dọa. Các hãng ôtô phải đóng cửa nhà máy vì thiếu phụ tùng. Trong khi đó, Nga đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng kế hoạch kiểm soát xuất khẩu.

Các lãnh đạo doanh nghiệp ở Đức ngày càng lo lắng về tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu - nơi lạm phát, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá năng lượng cao đang làm tăng khả năng suy thoái.

Chỉ số tâm lý kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Châu Âu giảm 93,6 điểm, xuống âm 39,3 điểm trong tháng 3. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991. "Một cuộc suy thoái ngày càng có khả năng xảy ra", Achim Wambach - Chủ tịch của trung tâm nhận định. Theo ông, lạm phát đi kèm suy thoái sẽ diễn ra trong vài tháng tới.

Hai ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh tháng 2 đã hồi phục sau sáu tháng bất ổn. Nhưng cũng kể từ đó, giá năng lượng liên tục tăng đã kéo cao chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát của Đức đã lên hơn 5% vào tháng 2.

Các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga đã buộc hàng trăm công ty phải ngừng hoạt động kinh doanh tại đây. Nhiều công ty khác bị ảnh hưởng khi phải cắt đứt quan hệ tài chính và truyền thông với nước này.

"Chúng tôi đang chứng kiến những tác động của chiến sự với nền kinh tế toàn cầu, với nguyên liệu thô và chuỗi cung ứng", Herbert Diess, CEO Volkswagen, một trong số hàng trăm công ty Đức đã ngừng sản xuất tại Nga, đánh giá.

Nỗ lực do Mỹ khởi xướng nhằm cô lập Nga khỏi thương mại quốc tế đánh dấu vết nứt trong tầm nhìn thương mại tự do đã định hướng chính sách của Mỹ trong gần 30 năm qua. Nó báo hiệu một tương lai mà các quốc gia và công ty chuyển hướng từ giao dịch với đối thủ sang tập trung vào các đối tác cùng chí hướng.

"Hệ thống thương mại mà chúng ta biết, với cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và với một bộ quy tắc cơ bản mà tất cả đều tuân theo, đang rạn nứt", Jennifer Hillman, Luật sư thương mại kiêm cựu luật gia về thương mại của WTO, nhận định.

Những người ủng hộ toàn cầu hóa cho rằng lợi ích của thương mại tự do là rất lớn. Nó mở ra thị trường mới cho các doanh nghiệp và làm cho nhiều loại hàng hóa tiêu dùng có giá cả phải chăng hơn. Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) nhận định các động thái nhằm cô lập Nga "mang tính thỏa mãn trong ngắn hạn". "Nhưng không ai muốn nói về những hậu quả lâu dài của việc làm suy yếu các thể chế quốc tế", ông chỉ ra.

Giờ đây, thế giới có thể đang quay trở lại với một hệ thống các khối thương mại biệt lập hơn. Dù Mỹ sẽ ngừng mua dầu của Nga, số khác vẫn là khách hàng. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng không ngăn cản Bắc Kinh đạt được các mục tiêu trong kế hoạch phát triển các ngành công nghệ cao của Trung Quốc đến năm 2025.

Và khủng hoảng Ukraine chỉ là một phần nguyên nhân của căng thẳng. Gần đây, các tỉnh và thành phố của Trung Quốc lại phong tỏa diện rộng để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Thâm Quyến, trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và là một cảng quan trọng với 17 triệu người, đã thông báo đóng cửa trong bảy ngày từ cuối tuần trước. Foxconn, hãng điện tử Đài Loan chuyên cung cấp linh kiện cho Apple, cho biết họ sẽ tạm ngừng hoạt động.

Những hạn chế ở Trung Quốc, nơi đóng góp hơn một phần tư sản xuất toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng vốn đã rối ren và làm trầm trọng thêm lạm phát. "Câu hỏi đặt ra là liệu điều này sẽ trở nên tồi tệ hay rất tồi tệ", Phil Levy, Kinh tế trưởng của công ty logistics FlexPort, bình luận về tình hình phong tỏa. Ông lưu ý rằng sự gián đoạn này xảy ra khi việc chậm trễ trong vận chuyển đã trở nên quá nghiêm trọng.

Mary Lovely, Thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhấn mạnh tầm quan trọng của Thâm Quyến và khu vực lân cận đối với thiết bị điện tử, cũng như các ngành công nghiệp khác, như kim loại, đồ nội thất và các sản phẩm giấy. "Tôi nghĩ nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.", bà cho biết. Những áp lực đó sẽ dễ dàng khiến giá cả tăng hơn so với trước dịch.

Kinh tế toàn cầu chìm sâu trong hỗn loạn

Lực lượng chống dịch làm việc tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 14/3. Ảnh: NYT

"Chúng ta đang ở trong thời kỳ lạm phát cao. Các nhà cung cấp có thể sẽ loại bỏ những chi phí đó hoặc nhân cơ hội này để tăng giá", bà Lovely nói.

Fed đã giữ lãi suất gần 0% kể từ tháng 3/2020 và dự kiến hôm nay nâng lãi lần đầu tiên kể từ năm 2018. Cơ quan này kỳ vọng việc này hạ nhiệt nhu cầu và đẩy lùi lạm phát. Bởi lẽ, các nhà hoạch định chính sách của Fed và các nhà nghiên cứu Phố Wall đều cho rằng giá cả sẽ giảm dần khi người tiêu dùng bắt đầu chuyển chi tiêu từ hàng hóa nhập khẩu sang dịch vụ, như phim ảnh, kỳ nghỉ và nhà hàng. Sự thay đổi đó sẽ giúp các nhà máy và các tuyến đường vận chuyển bắt kịp với nhu cầu tăng cao.

Matthew Luzzetti - kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, gần đây đã điều chỉnh dự báo lạm phát vì chi phí thuê nhà đang tăng quá nhanh trong chỉ số giá tiêu dùng. Ông cho rằng lạm phát cao sẽ kéo dài trừ khi Fed can thiệp.

Vài năm qua, các sự kiện bất thường đến mức hiếm có chuyên gia nào dự đoán đúng tất cả. Và các quan chức Fed thừa nhận họ đã đánh giá sai lạm phát trong năm ngoái, một phần vì kỳ vọng chuỗi cung ứng sẽ phục hồi nhanh hơn. Hiện tại, họ bình luận cảnh giác hơn, đặc biệt là khi có thêm cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối tuần trước, cho biết họ sẽ dừng chương trình mua trái phiếu lớn sớm hơn dự kiến và mở đường cho việc tăng lãi suất vào cuối năm nay. Động thái này đã làm chao đảo thị trường tài chính và nhấn mạnh thách thức mà châu Âu phải đối mặt trong việc quản lý cú sốc lạm phát đi kèm suy thoái do khủng hoảng tại Ukraine gây ra.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã cảnh báo rằng xung đột Ukraine có thể làm giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế của khối khi kéo tụt niềm tin và kim ngạch thương mại. "Chúng tôi nhận thấy bất ổn rất lớn", bà nói.

Theo: vnexpress.net

Tags:

Xem tin tức ngoi sao mới nhất