Ngày 08/05/2022 12:32

Cơ sở đại học duy nhất Việt Nam tham gia WTO Chairs Programme

- Trường ĐH Ngoại thương (FTU) đã chính thức trở thành một trong 17 cơ sở trên thế giới, là cơ sở giáo dục duy nhất tại Việt Nam giành quyền tham "WTO Chairs Programme" (WCP).

Chiều ngày 6/5/2022 trường Đại học Ngoại thương tổ chức Lễ khởi động Chương trình WTO Chair với chủ đề "Tăng cường sự hợp tác giữa các chủ thể ngành, tổ chức học thuật và chính phủ trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA thế hệ mới".

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận sự cố gắng của nhà trường khi được lựa chọn tham gia Chương trình WCP giai đoạn 3. Đây cũng là sự khởi đầu tốt để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của trường trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040, trở thành trường hàng đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp sản phẩm xuất sắc trong đào tạo nghiên cứu khoa học, có vị thế cao trong châu Á.

Cơ sở đại học duy nhất Việt Nam tham gia WTO Chairs Programme

Các đại biểu tham gia Lễ khởi động Chương trình WTO Chair - Trường Đại học Ngoại thương

PGS,TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, chương trình WTO Chairs được khởi động vào năm 2010 nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về hệ thống thương mại trong giới học giả và các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển thông qua các hoạt động phát triển chương trình đào tạo, các hoạt động nghiên cứu và các hoạt động truyền thông, lan tỏa tại các trường đại học và cơ quan nghiên cứu.

Các tổ chức học thuật giành được vị trí trong WTO Chairs nhận được sự hỗ trợ trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển chương trình đào tạo và các hoạt động truyền thông, lan tỏa tới cộng đồng. Vị trí trong WTO Chairs (chair-holders) được lựa chọn thông qua một quy trình cạnh tranh. Ban đầu chỉ có 14 tổ chức học thuật được lựa chọn vào WTO Chairs cho giai đoạn 4 năm (giai đoạn 1) từ năm 2009. Đến giai đoạn 2 của Chương trình thì có thêm 7 tổ chức được chọn vào năm 2014. Và năm nay, WTO đã chọn được 17 tổ chức học thuật tham gia vào mạng lưới của Chương trình WTO Chairs. Điều này giúp đa dạng hóa hơn nữa sự hiện diện của Chương trình trên toàn cầu - với mạng lưới hiện bao gồm 36 trường đại học.

Trường ĐH Ngoại thường là một trong 17 cơ sở giáo dục được lựa chọn từ 126 cơ sở của 54 quốc gia thành viên trên thế giới, trở thành cơ sở giáo dục duy nhất tại Việt Nam giành quyền tham gia "WTO Chairs Programme" (WCP) giai đoạn ba, từ năm 2022 đến năm 2026.

Cơ sở đại học duy nhất Việt Nam tham gia WTO Chairs Programme

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi lễ.

Bà Anabel Gonzales - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới và ông Werner Zdouc - Giám đốc Chương trình WTO Chairs bày tỏ mong muốn được nhìn thấy những bước tiến, những thành quả của chương trình WTO Chair - Trường Đại học Ngoại thương trong việc nâng cao năng lực cho khu vực công, đặc biệt là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; nâng cao năng lực của các nhà hoạch định chính sách hướng tới hợp tác với các chủ thể trong ngành và các cơ quan nghiên cứu; xây dựng mạng lưới nghiên cứu, tham vấn và kết nối với các chủ thể trong ngành và khu vực công.

Với mong muốn giải quyết khoảng cách quá lớn giữa việc thực hiện các cam kết của Chính phủ từ góc độ chính sách và vai trò của các bên liên quan trong thực tế, từ đó đề xuất các giải pháp kết nối các bên liên quan trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA thế hệ mới, Chương trình Chủ tịch WTO Trường Đại học Ngoại thương xác định mục tiêu chung của chương trình là "Tăng cường hợp tác giữa các chủ thể trong ngành, các tổ chức học thuật và chính phủ trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA thế hệ mới".

Cơ sở đại học duy nhất Việt Nam tham gia WTO Chairs Programme

PGS, TS Bùi Anh Tuấn- Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương phát biểu trong Lễ khởi động Chương trình WTO Chair - FTU

PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho biết, để đạt được mục tiêu, nhà trường dự định thực hiện nhiều hoạt động xoay quanh ba trụ cột chính của chương trình: hoạt động nghiên cứu, hoạt động xây dựng chương trình đào tạo và hoạt động tiếp cận với sự hỗ trợ trực tiếp của Tổ chức Thương mại Thế giới và sự hợp tác của các đối tác đại diện cho các bên liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, VCCI, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng."

Trong buổi lễ khởi động cũng đã diễn ra thảo luận bàn tròn về vấn đề hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác trong chương trình WTO Chair - FTU với sự tham gia của Giáo sư Lei ZHANG, Chủ tịch SUIBE WTO tại Trung Quốc cùng Phó giáo sư Markus Wagner, Đại học Wollongong, Phó Chủ tịch Điều hành Hiệp hội Luật Kinh tế Quốc tế và ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam.

Thông qua buổi lễ, Trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng thành công nền tảng hợp tác sâu rộng giữa cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, tổ chức nghiên cứu và giữa các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực thương mại quốc tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Theo: dantri.com.vn

Xem tin tức ngoi sao mới nhất